Quê nhà lũ đậu buồn tênh. Tre mơ chim trú lênh đênh chưa về. Mẹ ngồi ru giọt tái tê Chiều soi bóng lũ mà nghe đoạn trường …! …!!

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

BÌNH THƠ LỤC BÁT!

DI LUÂN ĐƯỜNG-QUỐC TỬ GIÁM
CÙNG PHIÊU VỚI THƠ ANH LÊ ĐĂNG MÀNH
(THƯ HOÀNG BÌNH THƠ)

PHỐ CŨ CHIỀU ĐAU!
Về Huế rủ bụi tang bồng
Qua nền Xã Tắc tủi phong rêu mình
Cột cờ gió trở lặng thinh
Triều nghi văn võ ngông nghênh mô rồi
Văn lâu khoa bảng một thời
Hồn lên Văn Thánh bia phơi miệng đời
Bến đò Thừa Phủ chao ơi !
Tắt câu mái đẩy rụng rời Hương Giang
Mượn trầm mặc bước lang thang
Chợt nghe giọng ngự Huyền Trân trị vì
Xin về phía Tĩnh Tâm trì
Chạm gạch Thượng Tứ rõ Di Luân Đường
Cầm tờ thơ dại mà thương
Chừ Thành Nội giẫm chán chường ngẩn ngơ
Lạc người… lạc bạn bơ vơ
Chánh Tây chiều bện tẩm quờ quạng đau!

Lê Đăng Mành

Lời bình:
Có rất nhiều sự vật và địa danh được nhắc đến trong thơ. Điều đó cho thấy anh đang viết về quê hương, một chốn thân thương dù đi xa nhưng chưa bao giờ rời khỏi lòng mình.
Huế đẹp như tranh vẽ và mang đầy hồn non nước xưa. Về với Huế ta như đi trong vùng cảm xúc, lặng nghe cỏ cây sông núi thủ thỉ cùng.
Về Huế rủ bụi tang bồng
..............................................
Mượn trầm mặc bước lang thang
Một lữ khách, đứa con xa quê, một trí thức đầy trăn trở khiến cảnh vật Huế càng trở nên hữu tình. Nghe câu thơ anh thả giữa thành nội vàng son mờ phai ai chẳng thắt thẻo đau buồn. 
Nghệ thuật "ve vuốt" trên những địa danh, trên từng kỷ vật...của anh LĐM đã vực dậy quá khứ một xứ sở kinh kỳ tráng lệ.
Quá khứ với hiện tại khiến Huế như một người bị đối xử bất công, hất hủi. "Nàng" ấy từng đẹp kiêu sa, từng phút huy hoàng nhưng "nhan sắc" ấy nay mai một cũ càng!
Qua nền Xã Tắc tủi phong rêu mình
Cột cờ gió trở lặng thinh
Triều nghi văn võ ngông nghênh mô rồi
Văn lâu khoa bảng một thời
Hồn lên Văn Thánh bia phơi miệng đời
Bến đò Thừa Phủ chao ơi !
Tắt câu mái đẩy rụng rời Hương Giang
Mỗi câu, mỗi chữ là một niềm đau buôn buốt nhưng không cay cú thô lỗ mà vẫn mang bản sắc dịu dàng nho nhã của người bản địa. Này đây "nền xã tắc" bám đầy rêu phong không còn ai chăm chút,gìn giữ như xưa. Ngước trông lên chẳng hơn gì một chiếc "cột cờ" chỏng chơ khát thèm "gió trở". Những mũ miện cân đai oai vệ của các triều thần đi chầu thánh chúa, những bảng vàng bia đá, "bến đò", "câu mái đẫy"...về đâu?
Chỉ còn bệ rồng "lặng ngắt như tờ" và sự thất thế của triều đại nho giáo. Giờ những giá trị tích cực cũng hầu như bị phủ nhận lãng quên.Thành nội chỉ còn trong luyến tiếc của những ông đồ già, của những đứa con đã quen bẫm báo lễ nghĩa.
Luyến về một thời đại, nâng niu quá khứ cũng là cái hồn xưa của những người rành về nho giáo, gần gũi với một thời kỳ lều chỏng khoa thi...Đọc thơ anh mà nghe man mác cõi lòng, có chút gì đồng cảm cùng câu thơ Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
............................................................
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta
Cùng với hàng loạt thán từ, động và tính từ tuyển như "chao ơi","tắt","chợt',"chạm","phơi',"tủi","ngông nghênh","rụng rời"....ý thơ sáng bừng lên mà chất chứa cả chiều sâu, ý nhị như tâm tình dân Huế. 
Không thể phủ nhận chính cách chọn chữ mang đến thành công cho nhiều tên tuổi người làm thơ. Ở đây tôi ngưỡng mộ khả năng đặt để chính xác chúng của anh LĐM khiến thơ anh như khó thể thay thế hơn những gì anh đã trình bày. Nghệ thuật dùng từ tinh tế, gợi cảm nhóm lên thắm đượm rực hồng lửa cảm xúc cho người viết, người xem.
Bến đò Thừa Phủ chao ơi !
Tắt câu mái đẩy rụng rời Hương Giang
Mượn trầm mặc bước lang thang
Chợt nghe giọng ngự Huyền Trân trị vì
Xin về phía Tĩnh Tâm trì
Chạm gạch Thượng Tứ rõ Di Luân Đường
Cầm tờ thơ dại mà thương
Chừ Thành Nội giẫm chán chường ngẩn ngơ
Còn quá nhiều những ngôn từ hay trong đoạn thơ này mà tôi chưa nhắc hết nhưng các bạn có thể để mắt xem tiếp ở những câu thơ bên dưới.
Sự "bọc lót" "gói mở" cho thấy tác giả mang hồn nhạy cảm và nỗi lòng với Huế trong anh là vô tận da diết. Tôi thích hướng "dìu thơ" đi của anh. Nó vừa nhẹ vừa mới lạ, chừng như anh cũng chỉ vừa mới khám phá ra và mang đến cảm giác nguyên tinh nóng hổi ấy cho bạn đọc.
Huế với những nét đặc trưng của cố đô hoa lệ một thời; nơi có dòng Hương giang với những con đò lững lờ đẹp dáng người con gái Huế.Và không thể thiếu những câu hò trong trẻo đậm đà chất nghệ sỹ. Cứ mường tượng thế khi nghĩ về Huế để rồi chợt đắng lòng khi vắng những nét điểm xuyết trên hoặc còn đấy song đã xơ xác điêu tàn!
................................................
Xin phép cho tôi lướt qua một đoạn dài gồm những câu diễn ý vì bài viết đã khá dài và thêm nữa mời các bạn cứ ngẫm nghĩ đi-tác giả viết rất rõ ràng dễ hiểu nhưng thần thái thơ thì phải đọc 'nguyên bản"mới "chạm' được chất thơ đan quyện và những tứ lạ chặt chẽ.
Tôi cho rằng đây là khổ thơ hay nhất trong bài vì nó không viết bằng cách thông thường mà "lật trở" uyển chuyển thả hồn vào trong vật.
Bài thơ anh viết không để giải trí mà làm "mệt" trí một cách đáng yêu, nỗi tiếc thương trong anh quá sâu sắc lồng với cách diễn đạt "hào hoa"(có lẽ dùng từ "hào hoa" ở đây chưa chính xác lắm nhưng tôi vẫn mạn phép bảo lưu ý kiến này) làm cung bậc thơ đa dạng hơn hẳn.
Cùng đi tới cặp kết để thấy tất cả vỡ òa ra, xót xa ngơ ngẩn:
Lạc người… lạc bạn bơ vơ
Chánh Tây chiều bện tẩm quờ quạng đau!
Những câu thơ như được ghép khít khao bởi tay người thợ khéo. Nhìn xem, nếu tách rời chúng thì ngôn ngữ đó rất bình thường, không hoa mỹ như nhiều nhà thơ hay dùng. Thế mà khi chúng đi cùng nhau, chữ này tôn "dáng' chữ kia và chúng chứa đầy tâm hồn người thơ, không chút sáo rỗng khoa trương.
Thơ anh LĐM là một giếng sâu cho những ai khao khát một miền thơ sâu thẳm. Chất liệu thơ anh xây dựng quá phong phú, lúc rắn lúc mềm, khi bác học, lúc bình dân...đó chính là cái chất thơ của tài năng thật sự.
Khen thơ anh nhiều quá cũng sợ gọi là tâng bốc nhưng quả thật tôi rất hài lòng khi thưởng thức bài thơ này và chắc nhiều người sẽ đồng cảm như tôi. Đây là một bài thơ theo tôi là thuộc hàng nổi trội trong thơ anh LĐM.
Nếu phải có một ý kiến nhỏ về hạn chế trong thơ thì tôi xin góp ý: có quá nhiều địa danh, sự vật mà không phải là dân địa phương thì không tường tận được ý nghĩa và gốc gác của chúng.Như là những " nền Xã Tắc","Văn lâu","Văn Thánh',"Tĩnh Tâm Trì","Thượng tứ","Di Luân Đường"... Giá mà anh kèm theo chú thích thì người ở xa như tôi và các bạn khác sẽ thấy hết được cái hay của nhiều vấn đề anh đặt ra từ những hình tượng, địa danh đó.
Thơ anh LĐM là thơ của trí tuệ pha chút chất thiền nên người đọc sẽ hiểu theo nhiều tầng rộng hẹp khác nhau. Muốn tìm đến cái say thì hãy đọc thơ anh, đọc khi mưa bay, khi gió nổi và rồi tựa cửa nhìn theo chiếc lá vàng bay cảm nhận một người thơ lãng tử ...
23/11/15
Thư Hoàng